Huyên An Minh (Kiên Giang) xúc tiến khai thác tuyến tàu biển từ Xẻo Nhàu đi đảo Hòn Sơn, Nam Du

Huyện An Minh tiếp giáp với Vườn quốc gia U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang và Vườn quốc gia U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau, có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng về sinh học. Huyệncó các sản phẩm OCOP như: tranh vỏ tràm, tranh nhen dừa, tranh bẹ chuối, cua biển và các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu như: sò huyết, gạo hữu cơ. Bên cạnh đó, các sản phẩm đang xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu thời gian qua đã tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, có tiềm năng phục vụ du lịch như: tôm khô, tôm sú, tôm càng xanh, chả cá rô phi, tôm thẻ chân trắng, mật ong rừng, các loại cá đồng, các loại thủy sản tươi sống… Hiện nay, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm có thương hiệu OCOP, VietGAP, lúa hữu cơ… để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, huyện có thể phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng ở khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc các xã: Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Đông Hưng A, Tân Thạnh và Thuận Hòa. Đặc biệt, khi hệ thống đường bộ đê biển được xây dựng xong, sẽ kết nối đường ven biển tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau, qua đó có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái biển, du lịch tham quan các làng nghề truyền thống ven biển, tham quan mô hình nuôi chim yến; du lịch làng nghề (nuôi sò, vẹm xanh, lụa); du lịch sông nước (câu cá, cua, tôm, mực); du lịch bãi bùn; du lịch du thuyền từ bờ ra xã đảo Lại Sơn.

Ngoài ra, huyện có các địa danh, di tích lịch sử có thể khai thác loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử kết hợp với nghiên cứu như: Căn cứ Chi khu Hiếu lễ (thị trấn thứ Mười Một); khu căn cứ kháng chiến K50 tiền thân của Bệnh viện 121, Nhà máy in của Quân khu 9, Trường Thiếu sinh quân (xã Vân Khánh Tây); Xưởng Công binh 12 khu 9 ở ấp Cán Gáo và điểm du kích bắn rơi 17 máy bay trực thăng ấp 15 (xã Đông Hưng B); Trường Y tế Nam Bộ ở Kinh Hãng, Trường Tư pháp Nam Bộ và Cơ quan Ngoại vụ ở Danh Coi (xã Đông Hưng); nơi hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, tại ấp Xẻo Đôi, xã Đông Hưng A. Gắn kết với các loại hình du lịch khác, huyện còn có tiềm năng về du lịch tâm linh như: Chùa An Thiền, Thánh Thất cao Đài, Giáo xứ Đông Hưng, Giáo xứ Đông Hòa, Chùa Thạnh An xã Tân Thạnh, Thánh thất Ngọc Tam Đàn và Giáo Hội Đông Hưng Tự xã Đông Hưng B…

Đồng chí Bùi Thị Hiền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy An Minh cho biết: Thực hiện kế hoạch số 47-KH/HU, ngày 07/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến 2025, định hướng đến năm 2030, huyện sẽ tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh, huy động các nguồn lực phục vụ cho việc đầu tư hạ tầng phát triển du lịch của địa phương; hình thành các tổ chức liên kết du lịch giữa địa phương và các huyện lân cận, kết nối với các địa điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển về du lịch, sản phẩm du lịch; gắn phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Việc phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo.

Thời gian tới, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, huyện sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, điện, đường vào các địa điểm du lịch, xây dựng cảng Xẻo Nhàu thành cảng tổng hợp. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn trong công tác xúc tiến, quảng bá, khai thác vận chuyển hành khách nói chung và khách du lịch nói riêng từ huyện An Minh đến xã đảo Lại Sơn, Nam Du của huyện Kiên Hải bằng đường tàu biển và ngược lại. Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng các bia tưởng niệm, phục dựng một số khu di tích lịch sử có tiềm năng phát triển du lịch…

Tin liên quan